Các nhóm sản phẩm CMC

Công nghệ xóa bỏ các rào cản xã hội và tạo ra nhiều cơ hội mới

Th3 19, 2019

(Forbes Vietnam). Trong phiên thảo luận với chủ đề “Kết nối chân trời mới” tại sự kiện Tech Summit 2019, các chuyên gia đều nhận định, lợi thế của một quốc gia đi sau về công nghệ là có thể “đi tắt đón đầu”.

Phiên thảo luận Kết nối chân trời mới. Từ phải sang, ông Đặng Tùng Sơn – Phó tổng giám đốc CMC Telecom; ông Nguyễn Thành Nam – Phó chủ tịch HĐQT trường đại học FPT; ông Phạm Thái Lai – tổng giám đốc Siemens Việt Nam; ông Nguyễn Đức Kiên – CSO công ty công nghệ thông tin VNPT; ông Nguyễn Mạnh Hào – CEO Ames English và bà Nguyễn Lan Anh – Giám đốc điều hành Endeavor Việt Nam.

Mở đầu phiên thảo luận, ông Nguyễn Thành Nam, Phó chủ tịch HĐQT trường đại học FPT chia sẻ, Internet phát triển tạo ra các trường đại học có chất lượng Mỹ nhưng với mức chi phí phù hợp với các nước đang phát triển. Với nguyên tắc hoạt động này thì trên thế giới, ai cũng có thể tham gia học. Điểm số không còn tập trung vào kết quả thi mà dựa vào cả quá trình.

“Mặc dù công nghệ do thế giới tạo ra, nhưng nó cũng đem lại cơ hội to lớn cho giáo dục Việt Nam.” ông Nam kết luận.
Ông Nguyễn Mạnh Hào – CEO Ames English, cũng chia sẻ: “Người tài năng trong thế giới phân bổ rất đều trong các màu da, vùng miền, thành phố hay nông thôn, nhưng có thứ không thể phân bổ đều, đó là cơ hội.”

“Người sinh ra ở nơi có điều kiện sẽ khác rất nhiều so với người sinh ra ở một nơi thiếu thốn. Điều đó làm tôi thấy, công nghệ là chìa khóa cho công ty chúng tôi tạo ra cơ hội.” ông Hào so sánh và cho biết trước đây, những học sinh không có điều kiện không thể biết đến các hình thức giáo dục 1 by 1 (một kèm một), có người hướng dẫn riêng hay tiếp cận các khóa học phù hợp. “Với công nghệ thì khoảng cách địa lý, giàu nghèo sẽ dần thu hẹp.”

Theo ông Hào, có 30.000 trường học ở Việt Nam phải giải quyết câu chuyện thiếu giáo viên tiếng Anh. Ngoài ra, kỹ năng nghe nói với các học sinh ở vùng sâu thường kém hơn học sinh ở thành thị. “Tuy nhiên, khi có Internet, mạng 3G, trí tuệ nhân tạo (AI), các thiết bị di động thì chúng tôi sẽ làm được.”

Dưới góc nhìn của ông Phạm Thái Lai – Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Siemens Việt Nam, khi Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với các hiệp định thương mại tự do thì chúng ta trở nên cạnh tranh hơn. “Tại Đức, nhà máy chúng tôi không thay đổi bằng cách mở rộng diện tích hay tăng số lượng công nhân mà chúng tôi chọn cách tự động hóa và tăng hiệu suất lên 9 lần dựa vào công nghệ. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội,” ông nói.

Chia sẻ về những xu hướng mới nhất trong lĩnh vực viễn thông, ông Nguyễn Đức Kiên – CSO công ty công nghệ thông tin VNPT, cho rằng các hoạt động truyền thống đang chuyển dịch sang dịch vụ số, và ngành viễn thông cũng vậy. Có xu hướng lớn là các nền tảng tận dụng khả năng của các công ty công nghệ cao để khai thác dữ liệu khổng lồ. “Những startup nhỏ chỉ cần tập trung chuyên môn, cơ hội ngay cả với những người không chuyên cũng có thể xây dựng những ứng dụng hay và bán ra cho các doanh nghiệp khác.” ông Kiên nói

Theo ông Đặng Tùng Sơn – Phó tổng giám đốc CMC Telecom, thách thức lớn nhất là sự hỗ trợ chính sách. Ông nhận định, mức đầu tư vào công nghệ tại Việt Nam vẫn chưa cao và điều quan trọng là tạo nên cộng đồng cùng xây dựng từ những nền tảng lớn như FPT, VNG để làm tăng giá trị.

Nguồn: https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/cong-nghe-xoa-bo-cac-rao-can-xa-hoi-va-tao-ra-nhieu-co-hoi-moi-5632.html