Các nhóm sản phẩm CMC

“Gỡ rào” cho kinh tế số

Th8 05, 2017

[ENTERNEWS.VN] Không chỉ thiếu chiến lược phát triển, những rào cản pháp lý, sự phân biệt đối xử đang là những tác động cản trở sự phát triển của kinh tế số.

Trong khi 1,7% dân số Việt Nam làm việc trong lĩnh vực kinh tế số đã tạo ra 5% thu nhập quốc dân và mức thu nhập bình quân, mức giá trị gia tăng lên trên mỗi lao động ở khu vực này cao gấp 3 lần trung bình cả nước.

so_hoa2_copy

Giải pháp số hóa tài liệu DocPro của FSI tại triển lãm CNTT – Điện tử – Viễn Thông TP HCM 2017

Cào bằng và công bằng

Thương mại điện tử năm 2016 tại Việt Nam đạt 900 triệu USD, tăng 50% so với năm 2015, ước tính đến năm 2020 đạt 5 tỷ USD, tăng 54%/năm. Theo ước tính đến năm 2020, Việt Nam có 60 triệu người dùng smartphone, chiếm 60% dân số, tăng gấp 30 lần so với năm 2010; quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến, theo xu hướng tăng nhanh hiện nay, sẽ tăng trên gấp 3 lần, đạt 950 triệu USD (năm 2016 đạt 390 triệu USD).
Ông Nguyễn Trung Chính – Chủ tịch Nhóm Công tác Kinh tế số (VPSF), Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) CMC Group – cho biết, việc xuất hiện xu thế “số hóa” ở mọi lĩnh vực từ thương mại, thanh toán cho đến vận chuyển, giáo dục, sức khỏe… giúp mở ra nhiều cơ hội tham gia nền kinh tế số của các DN đối với hoạt động mở rộng thị trường không chỉ ở Việt Nam mà còn cung cấp dịch vụ trong khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có cơ chế chính sách cụ thể cho các doanh nghiệp (DN) mới theo những mô hình kinh doanh số hay tạo điều kiện thuận lợi cho các DN kinh tế số tham gia. Bên cạnh đó còn rất nhiều rào cản cần sớm được tháo bỏ.

Chẳng hạn, theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), hạ tầng băng thông rộng của Việt Nam phát triển ở bậc thấp nhất thế giới. Với thực trạng này, Chính phủ cần có các chính sách cụ thể để thu hút và khuyến khích đầu tư. Nhưng trên thực tế, chính sách của Việt Nam dường như đang đi ngược lại khi đưa ra mức thu phí viễn thông công ích là 1,5% doanh thu dịch vụ mà không rõ các Bộ dùng căn cứ nào để tính ra mức phí đó; việc áp dụng lại theo cơ chế “cào bằng” với mọi doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp đã có lợi nhuận lẫn doanh nghiệp mới đầu tư.

Theo ông Nguyễn Trung Chính: Phí công ích có bản chất là chia sẻ lợi ích với cộng đồng, chỉ nên khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đóng góp, không nên quy định thành một loại phí bắt buộc.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, mặc dù các Nghị quyết của Đảng nói rất mạnh về kinh tế tư nhân, nhưng trong thực tế, đối với ngành kinh tế số đã có sự phân biệt thành phần. Đặc biệt, khi tham gia các chương trình tin học hóa cho khu vực công quyền, một số dự án đã hạn chế sự tham gia của DN tư nhân.

Ông Nguyễn Trung Chính chia sẻ: Mỗi lần ngủ dậy thấy có luật, nghị định thông tư mới thì lo nhiều hơn mừng. Bởi vì thuận lợi một phần, còn lại gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi cho rằng làm luật, thông tư, nghị định không nên lấy tiêu chí là số lượng mà cần ưu tiên chất lượng. Nhiều khi luật rất tốt nhưng Nghị định lại kém đi một ít, đến khi thông tư thì lại chỉ còn là “lỗ kim” bé bé”.

Ví dụ Nghị định 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, thực tế triển khai gặp rất nhiều bất cập. Việc lập dự án trung bình kéo dài hai năm, nhiều dự án sau ba năm vẫn chưa xong việc chuẩn bị, khiến cho các chủ đầu tư buộc phải lách các quy định, hoặc xé nhỏ dự án ra để lách…

Yếu nhân lực

Không chỉ vướng ở cơ chế chính sách mà yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế số phát triển đó là nguồn nhân lực chất lượng cao. Báo cáo của Vietnamworks cho biết, nhu cầu nhân sự ngành CNTT đang ở mức cao nhất trong lịch sử với gần 15.000 việc làm được tuyển dụng trong năm 2016.

Theo dự báo, so với nhu cầu tính đến cuối năm 2018, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 70.000 nhân lực về CNTT. Đến năm 2020, dự báo thiếu khoảng 500.000 nhân lực CNTT. Chất lượng nhân lực còn yếu nên sau khi tiếp nhận, các DN phải đào tạo lại, thông thường mất một năm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kinh tế số là vấn đề mới đối với Việt Nam, vì thế, các bộ, ngành liên quan cần tạo điều kiện sát thực tiễn cho doanh nghiệp nhằm áp dụng cách mạng công nghệ 4.0 vào trong nước. Không bi quan về cách mạng 4.0 vì có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng cần làm rõ xem các lợi thế, các thời cơ và thách thức đó là gì mới có thể tham gia cuộc cách mạng này thành công.

nguyen_thanh_hung_copy

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông :Sẵn sàng cùng DN giải quyết tồn tại.

Việc xây dựng và duy trì quỹ viễn thông công ích là một trong những chính sách cơ bản tạo nên thành công việc tiếp cận dịch vụ viễn thông tại vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, từ chỗ yêu cầu các DN đóng 3% thì hiện nay đã giảm xuống còn 1,5%. Trên cơ sở kiến nghị xem xét giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, Bộ Thông tin Truyền thông đang báo cáo Chính phủ sửa đổi và xin cho phép điều chỉnh tỷ lệ thu từ 1,5% xuống còn 0,7%. Không thể bỏ thu phí viễn thông công ích được vì đang thực hiện các nội dung công ích, cần có quỹ để thực hiện các chương trình cho vùng sâu vùng xa.

bui_quang_ngoc_copy

Ông Bùi Quang Ngọc – Phó Chủ tịch HĐQT FPT: Nên bỏ phí công ích

Hiện nay, DN viễn thông đang phải đóng phí thương quyền (0,5%/doanh thu) và phí viễn thông công ích (1,5%/doanh thu) vào quỹ do Bộ TT&TT quản lý và sử dụng là “một cổ hai tròng”. Internet là hạ tầng kết nối của nền kinh tế số, của cuộc sống văn hóa, kinh tế, kỹ thuật, cần khuyến khích hỗ trợ thay vì nộp thêm phí. Tôi đề xuất bỏ phí viễn thông công ích, vì công ích nhà nước nên làm từ ngân sách nhà nước hoặc các quỹ từ thiện xã hội, không nên bắt buộc các doanh nghiệp tham gia.

Nguồn: http://enternews.vn/go-rao-cho-kinh-te-so-114883.html