Việc xây dựng kho dữ liệu và tận dụng các nền tảng công nghệ phù hợp là yếu tố chính để làm chủ được sức mạnh Big Data. Tuy nhiên để triển khai được Big Data thành công, doanh nghiệp nên bắt đầu từ đâu?
Tham khảo kinh nghiệm từ Singapore. Trong năm 2018, với sự ảnh hưởng của điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, ML, SaaS, một cuộc cách mạng số hóa nơi làm việc bắt đầu bùng nổ – được định hướng là bước đi đầu tiên trong lộ trình chuyển đổi số. Đến nay, khi làm việc từ xa trở thành yêu cầu bắt buộc thì các doanh nghiệp tại Singapore đã sớm thích ứng tốt để duy trì hoạt động và sẵn sàng cho công cuộc số hóa khác dựa vào kho dữ liệu lớn đã xây dựng.
Tại Việt Nam, mặc dù công cuộc số hóa văn phòng làm việc chưa diễn ra mạnh mẽ từ trước như Singapore, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp đi đầu trong làn sóng này đã bắt đầu “hái quả ngọt” trong giai đoạn hiện nay. Tại sự kiện “Cùng Google Cloud xây dựng môi trường làm việc sáng tạo” vào cuối tháng 4 vừa qua, ông Thịnh Phạm – Giám đốc hệ thống mạng tại Sweden Auto – nhà phân phối chính thức xe Volvo tại Việt Nam cho biết: Nếu nhìn nhận chuyển đổi số là cuộc chơi của những tập đoàn lớn thì các doanh nghiệp phân khúc khác đang tự giới hạn khả năng của mình. Với quan điểm “khởi đầu nhỏ, tư duy lớn”, Sweden Auto bắt đầu lộ trình số hóa dữ liệu của mình với Google Workspace. Điều này tạo ra được nền tảng vững chắc cho những chuyển đổi về sau, bao gồm như mô hình bán hàng trực tuyến. Ông cho biết thêm, với sự cộng hưởng sức mạnh của Google Cloud và nhà cung cấp CMC Telecom, Sweden Auto có thể tận dụng được những đội ngũ kỹ thuật hàng đầu trong nước và quốc tế mà không phải đầu tư thêm nguồn lực.
Xét về công đoạn phân tích, xử lý từ dữ liệu thô sang những dữ liệu có giá trị vẫn còn là bài toán khó gỡ cho doanh nghiệp. Ông Lê Anh Vũ – Giám đốc sáng tạo (CIO, CMC Telecom) cho biết, trong năm 2020, trung bình có đến 1.5GB dữ liệu/1 người dùng/ 1 ngày, 50B dữ liệu đến từ các thiết bị thông minh và dự báo mức dữ liệu sử dụng sẽ đạt đến 1 nghìn tỷ gigabytes vào năm 2025. Tuy nhiên, trong số 100% dữ liệu thu thập thì chỉ có 40% dữ liệu được doanh nghiệp lưu trữ bên trong hạ tầng. Đặc biệt, tỉ lệ để chuyển đổi thành các dữ liệu có giá trị chỉ chiếm 1% (Dựa trên báo cáo của Mckinsey).
Tham mưu cho gần 100 doanh nghiệp tham dự sự kiện, ông Lê Anh Vũ cũng đưa ra những “use case” xử lý dữ liệu thô bằng cách tận dụng giải pháp của “ông lớn đầu ngành”. Là một gã khổng lồ đứng đầu thế giới về các khả năng phân tích dữ liệu và cung cấp nhiều dịch vụ chi phối hàng triệu doanh nghiệp khắp thế giới, đến nay Google Cloud cũng đã và đang mang đến cho doanh nghiệp quy trình xử lý một cách khoa học, từ việc thu thập dữ liệu (với BQ streaming, App Engine, …), lưu trữ kho dữ liệu (Big Query storage, Cloud SQL, Cloud Data Store, …) đến việc phân tích, xử lý hàng triệu dữ liệu nhờ Cloud Dataflow, BigQuery (SQL), Cloud Machine Learning, …
Ông Lê Anh Vũ cũng nhấn mạnh về xu hướng bảo mật mới trong giai đoạn bùng nổ Internet tại Việt Nam. Theo đó, việc đảm bảo đường truyền lưu thông dữ liệu từ doanh nghiệp đến các đám mây quốc tế như Google Cloud cần được tăng cường. Nếu theo cách truyền thống, doanh nghiệp có thể lựa chọn kênh thuê riêng (Internet Leased Line) với chi phí cao, tiềm ẩn rủi ro do sự cố như đứt cáp quang biển quốc tế, chưa kể đến các phụ phí phát sinh trong quá trình sử dụng.
Thay vào đó, doanh nghiệp đã có thêm lựa chọn đường truyền mới với Interconnect cung cấp bởi CMC Telecom. Đây là đơn vị Viễn thông đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam có kênh kết nối trực tiếp đến Google Cloud. Ngoài ra CMC Telecom còn có các đường CloudExpress khác kết nối đến đám mây AWS, Azure, Oracle, IBM với tỉ lệ cam kết chất lượng dịch vụ SLA đến 99,9%.
Như vậy trong năm 2021, để thích nghi với trạng thái bình thường mới và chuẩn bị cho những khủng hoảng còn “vô định” trong tương lai, đây chính là thời điểm thích hợp để các nhà lãnh đạo, các nhà quản trị CNTT hoạch định chiến lược kinh doanh và làm mới môi trường làm việc. Tinh gọn mô hình, tự động hóa quy trình, tối ưu chi phí và khai thác sức mạnh dữ liệu chính là những mục tiêu xây dựng trong kỷ nguyên số.