Theo ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC, dịch Covid-19 được xem “trong nguy có cơ”, qua việc này các doanh nghiệp CNTT có cơ hội thể hiện năng lực và giúp đỡ những doanh nghiệp khác chuyển đổi số và giúp Việt Nam cất cánh nhanh hơn.
Theo ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC, dịch Covid-19 được xem “trong nguy có cơ”, qua việc này các doanh nghiệp CNTT có cơ hội thể hiện năng lực và giúp đỡ các doanh nghiệp khác chuyển đổi số và giúp Việt Nam cất cánh nhanh hơn.
Bộ TT&TT vừa phát động chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng công nghệ điện toán đám mây Việt Nam. Ông có thể chia sẻ về vai trò và tầm quan trọng của công nghệ điện toán đám mây trong việc phát triển kinh tế số?
Hạ tầng số đặc biệt quan trọng trong kinh tế số và phát triển xã hội số. Trong hạ tầng số thì hạ tầng về dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu điện toán đám mây đóng vai trò lớn, là “xương sống” của hạ tầng số. Mọi người hay gọi điện toán đám mây là “i-Cloud”, nhưng theo tôi từ bây giờ chúng ta nên gọi là “V-Cloud”, là hạ tầng điện toán đám mây của Việt Nam, xây dựng bởi người Việt Nam cho người Việt sử dụng.
Các doanh nghiệp Việt đã có các hạ tầng vật lý kết nối như các Data Center (trung tâm dữ liệu), nhưng quan trọng hơn, chúng ta cần hạ tầng về dữ liệu. Nền tảng để đảm bảo cho hạ tầng dữ liệu chính là Cloud. Với sự ra mắt của Liên minh Điện toán đám mây Việt Nam, tôi rất tin tưởng chúng ta sẽ có một nền tảng điện toán đám mây Việt Nam, mà tôi đặt là “V-Cloud”. Tôi hi vọng trong một tương lai không xa, V-Cloud không chỉ phục vụ cho các dịch vụ điện toán đám mây ở Việt Nam mà hoàn toàn có thể cung cấp ra khu vực và thế giới, với giấc mơ Việt Nam có thể trở thành quốc gia cung cấp được hạ tầng số mà tôi gọi là “Digital Hub”, trước mắt là cho Châu Á – Thái Bình Dương.
Dưới góc nhìn của ông, năng lực điện toán đám mây của Việt Nam hiện nay ra sao?
Chúng ta đều biết mọi việc đều cần có sự khởi đầu. Vài ba năm gần đây, các doanh nghiệp công nghệ thông tin – viễn thông lớn đã có những bước đầu chuẩn bị về điện toán đám mây, xây dựng Cloud riêng với hệ thống bảo mật vững chắc… Ví dụ, Tập đoàn Công nghệ CMC đã chính thức công bố ra mắt nền tảng hệ sinh thái hạ tầng mở cho doanh nghiệp và tổ chức – C.OPE2N mà trong đó hạ tầng nền tảng số chính là C.Cloud, tuân thủ đúng theo bộ tiêu chuẩn của Cục An toàn thông tin. Có thể nói, chúng ta đang xây dựng Cloud theo tiêu chuẩn quốc tế, hiện nay các khách hàng của CMC, VNG… cũng có những khách hàng quốc tế, chẳng hạn như CMC đang cung cấp hạ tầng điện toán đám mây cho SAMSUNG SDS.
Tuy nhiên, nếu nói các công ty điện toán đám mây Việt Nam đã có thể ngang bằng với các công ty hàng đầu thế giới như Microsoft, Amazon… thì cần sự nỗ lực nhiều hơn. Một công ty chỉ là các cá thể đơn lẻ và khó có sức mạnh cạnh tranh trên thị trường thế giới. Do đó, khi liên minh lại với nhau thì các doanh nghiệp có sự cộng hưởng và tạo nên sức mạnh lớn, từ số lượng kỹ sư, con người, hạ tầng đến chất lượng sản phẩm dịch vụ (ví dụ 40.000 doanh nghiệp CNTT liên kết lại sẽ có lực lượng hàng trăm nghìn kỹ sư CNTT). Cho nên tại lễ phát động của Bộ TT&TT, 11 doanh nghiệp điện toán đám mây Việt Nam đã công bố cam kết tham gia cùng nhau để tiếp cận các khách hàng toàn cầu. Hơn thế nữa, chúng tôi còn đang muốn dựa trên nền tảng mở để xây dựng hệ tri thức cho toàn nhân loại, thực hiện ước mơ tạo ra các sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam”.
Ông Nguyễn Trung Chính cho rằng, các doanh nghiệp công nghệ thông tin – viễn thông lớn đã có những bước đầu chuẩn bị về điện toán đám mây, xây dựng Cloud riêng với hệ thống bảo mật vững chắc.
Dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo ông, ngành CNTT đã có tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam nói chung và phòng chống dịch Covid-19 nói riêng trong thời gian qua?
Đúng vậy, dịch bệnh Covid-19 đang tác động tới tất cả các quốc gia trên thế giới, có thể nói đây là một cuộc “đại khủng hoảng” kéo theo rất nhiều hệ lụy. Hàng loạt quốc gia bị đóng băng, không thể hoạt động được để thúc đẩy kinh tế. Việt Nam may mắn đã đối phó được bước đầu để ổn định tình hình trong nước, trong đó việc ứng dụng CNTT trong xử lý, phát hiện, theo dõi, truy vết các trường hợp nghi nhiễm được người dân trong nước cũng như báo đài quốc tế đánh giá cao. Chúng ta cũng đẩy mạnh E-learning, họp trực tuyến, làm việc tại nhà, khám chữa bệnh từ xa… Hiện nay, Tập đoàn CMC đang phối họp với các hãng công nghệ lớn để triển khai ứng dụng làm việc nhóm như Microsoft Teams trong toàn tập đoàn và cho các khách hàng doanh nghiệp. Đây là giải pháp công nghệ hỗ trợ làm việc online, làm việc từ xa hàng đầu thế giới do CMC là đối tác chiến lược được ủy quyền phân phối tại thị trường Việt Nam.
Đây chính là “trong nguy có cơ”, qua việc này các doanh nghiệp CNTT có cơ hội thể hiện năng lực và giúp đỡ các doanh nghiệp khác chuyển đổi số. Tôi tin rằng chuyển đổi số và xây dựng xã hội số sẽ giúp Việt Nam cất cánh nhanh hơn, theo như chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là phát triển theo hình “chữ V”.
Theo ông, chiến dịch phát động thúc đẩy chuyển đổi số bằng điện toán đám mây của Bộ TT&TT sẽ tác động thế nào đối với Việt Nam?
Tôi đánh giá cao cách dẫn dắt của Bộ TT&TT, đặc biệt là Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhận thức được rằng đây là “cơ hội trăm năm” của ngành CNTT. Với tinh thần và sự quyết liệt ấy, Bộ TT&TT đã đưa ra một sáng kiến là hàng tuần, ngành CNTT sẽ giới thiệu sản phẩm mới, ứng dụng CNTT mới giúp cho Chính phủ, xã hội và doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và tạo tiền đề phát triển kinh tế đất nước.
Vừa qua, đã có rất nhiều hạ tầng ứng dụng được công bố và triển khai với tốc độ nhanh kỷ lục như hội họp trực tuyến, cổng dịch vụ hành chính công… Tôi đánh giá cao động thái quyết liệt, thần tốc của Chính phủ, của các Bộ ban ngành cũng như các địa phương trong việc chủ động thúc đẩy ứng dụng số.
Quốc hội đang xem xét thông qua EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU). Ông đánh giá như thế nào về cơ hội của doanh nghiệp CNTT để tham gia vào thị trường EVFTA?
Việt Nam là một quốc gia khá “đặc biệt” trong con mắt của ASEAN cũng như trong đánh giá của EU vì chúng ta có nhiều quan hệ hợp tác với các nước. EVFTA không chỉ mở ra cơ hội thị trường cho Việt Nam mà chính là kết nối 2 khối lớn: ASEAN với 600 triệu người có năng lực sản xuất, sáng tạo phong phú và khối các quốc gia thịnh vượng châu Âu có nền tảng khoa học kỹ thuật phát triển vượt bậc. Sự cộng hưởng 2 nền kinh tế lớn sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ hơn thông qua việc làm “cửa ngõ” kết nối giao thương thương mai, kết nối việc cung cấp và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ số. Chúng tôi – các doanh nghiệp CNTT Việt rất muốn được kết nối với các doanh nghiệp số lớn của Đức, Đan Mạch, Hà Lan… Tôi tin rằng cơ hội mà Hiệp định đem lại sẽ giúp GDP Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian tới.
Liệu các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đã sẵn sàng cho việc “cất cánh” này, thưa ông?
Nếu chúng ta có các sản phẩm dịch vụ thích ứng đúng theo nhu cầu thị trường, và liên kết tạo thành sức mạnh lớn thì theo tôi hoàn toàn có thể. Hiện nay, VinFast đã bắt đầu có những bước chân vững chắc trên thị trường châu Âu, hay CMC chúng tôi cách đây 10 năm đã bắt tay với đối tác Đan Mạch để chuyển giao các ứng dụng quản trị doanh nghiệp vào thị trường Việt Nam.
Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, có kỹ năng làm việc tốt trong ngành, chúng ta hoàn toàn có thể chinh phục được một thị trường với nhu cầu cao như châu Âu nhưng lại thiếu nguồn nhân lực. Tới đây sẽ có hàng ngàn doanh nghiệp từ châu Âu sang Việt Nam để tạo dựng cơ hội hợp tác và làm ăn. Đây chính là “mảnh ghép” hoàn hảo trong thị trường thế giới phẳng.
Xin cảm ơn ông!
Theo ICTNews