Cùng sự tăng trưởng của điện thoại thông minh trong những năm gần đây, dự kiến 65 triệu điện thoại thông minh sẽ được sử dụng vào năm 2020 kéo theo việc thay đổi cách thức tiếp cận thông tin, mua sắm của người dùng cuối.
Kết nối IoT không ngừng tăng, số lượng dữ liệu lớn đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, ứng dụng cùng áp lực phải sử dụng dữ liệu để phân tích và xây dựng trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Điều này đồng nghĩa với việc điện toán đám mây sẽ trở thành nền tảng hạ tầng số trong cuộc cạnh tranh vị trí đứng đầu cho doanh nghiệp nào nắm bắt và chuyển đổi nhanh hơn.
Công nghệ đám mây có thể là một công cụ để đáp ứng đồng thời các nhu cầu trên
Những ngành đòi hỏi sự chuyển đổi số nhanh phải kể đến ngân hàng, tài chính, thương mại điện tử, sản xuất… Trong đó điện toán đám mây là sự lựa chọn ưu việt trong việc tăng khả năng xử lý dữ liệu, triển khai nhanh chóng, bảo mật và khả năng mở rộng tối ưu cho các ngân hàng.
Điện toán đám mây cũng cho phép các tổ chức tài chính đạt được mức tăng đáng kể về hiệu quả và giảm chi phí. Vì với điện toán đám mây các ngân hàng chỉ phải trả tiền cho các dịch vụ, hạ tầng, quy mô họ sử dụng. Đáng nói hơn là để thử nghiệm các ứng dụng mới, nền tảng điện toán đám mây sẽ sự lựa chọn hiệu quả hơn nhiều so với triển khai trên cơ sở hạ tầng CNTT hiện có. Mới đây tại Pháp, một ứng dụng blockchain được xây dựng trên nền tảng điện toán đám mây của IBM đã được hoạt động như một kho lưu trữ thông tin của ngân hàng. Ứng dụng này được sử dụng để xác minh và giúp khách hàng kiểm tra các giao dịch, phát hiện sự bất thường nếu có gian lận/lừa đảo chuyển hướng thanh toán chỉ trong vài giây. Hệ thống này đã giúp xác minh hơn 160.000 tài khoản ngân hàng của nhà cung cấp và giảm được 80% khối lượng công việc kiểm soát gian lận thủ công trước đây.
Bảo mật trên nền tảng điện toán đám mây hiện nay không chỉ được thực hiện thông qua các ứng dụng mà còn được xác thực, bảo mật trên từng kết nối.
Nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cần đáp ứng được những tiêu chuẩn về bảo mật quốc tế
Trong hội nghị Tech summit gần đây do Forbes VN thực hiện tại TP.HCM, ông Đặng Tùng Sơn – Phó tổng giám đốc CMC Telecom cho rằng Việt Nam đang trong giai đoạn đầu khi sử dụng điện toán đám mây như một giải pháp để tiết kiệm ngân sách CNTT. “Khi chúng ta đến giai đoạn phát triển bão hoà, đó là lúc điện toán đám mây trở thành công cụ chiến lược trong việc thay đổi hoạt động của DN. Để có được điều này, DN cần phải có ý thức sẵn sàng thay đổi, không ngại vấn đề bảo mật và chuẩn bị nguồn lực công nghệ”.
Tại Mỹ, Văn phòng kiểm soát tiền tệ OCC (The Office of the Comptroller of the Currency) đang có những kiểm tra và dành sự quan tâm đặc biệt đến mối quan hệ giữa ngân hàng với các đơn vị cung cấp thứ ba như các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây. Cụ thể là những ông lớn trong mảng điện toán đám mây như Amazon, Microsoft và Google cũng phải cung cấp các dịch vụ của mình cùng với sự tuân thủ các quy tắc của ngành ngân hàng hiện hành.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện CMC Telecom cũng cho biết “Để cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam, ngoài những tiêu chuẩn cơ bản như Tiêu chuẩn hệ thống an toàn thông tin ISO/IEC 27001, Trung tâm dữ liệu trực tuyến Tier3, đầu tiên dịch vụ của các doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì vậy, năm 2017 CMC Telecom đã trở thành đơn vị hạ tầng viễn thông đầu tiên sở hữu chứng chỉ PCI DSS 3.2 (Payment Card Industry Data Security Standard) cho Trung tâm dữ liệu trực tuyến. Đây là tiêu chuẩn an ninh thông tin bắt buộc cho các doanh nghiệp lưu trữ, truyền tải và xử lý thẻ thanh toán trên thế giới. Chúng tôi cũng là 1 trong 3 đơn vị đầu tiên trên thế giới đạt chứng chỉ MEF 3.0 (chứng chỉ khẳng định khả năng trong việc cung cấp dịch vụ kết nối Ethernet với chất lượng cao nhất trên thị trường, dựa trên các tiêu chuẩn được công nhận toàn cầu”.
Ứng dụng điện toán đám mây, Việt Nam sẽ trở thành điểm sáng về công nghệ trong cuộc chuyển đổi số
Trao đổi tại hội nghị Tech Summit 2019 – Forbes VN với chủ đề “Kết nối chân trời mới”, các diễn giả là lãnh đạo cấp cao đến từ các Tập đoàn lớn như Siemens, VNPT, CMC đã thảo luận về tác động của công nghệ đến các thị trường đang phát triển như Việt Nam đang thay đổi cấu trúc hoạt động của thị trường truyền thống. Các công nghệ được nhắc đến như AI, IoT, Big Data, Machine learning… các ứng dụng trên nền tảng điện toán đám mây không chỉ xoá mờ các rào cản xã hội, địa điểm mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới cho cả người dùng cuối lẫn doanh nghiệp Startup.
Ông Đặng Tùng Sơn – Phó Tổng Giám đốc CMC Telecom chia sẻ tại phiên thảo luận: “Xu thế chuyển dịch công nghệ là xu thế tất yếu trên thế giới. Chiến lược của CMC Telecom là hợp tác với những hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Amazon, Microsoft, Google, IBM,… Các doanh nghiệp lớn trong ngành như Viettel, VNPT, CMC phải là những đơn vị đi đầu trong việc xây dựng hệ sinh thái mở, kết nối các đối tác công nghệ mang lại dịch vụ hội tụ tốt nhất dành cho doanh nghiệp. Khi đó Việt Nam sẽ trở thành điểm trung chuyển, nơi hội tụ về phát triển công nghệ trong khu vực bên cạnh Hongkong, Singapore”.
CMC Telecom là công ty thành viên của Tập đoàn Công nghệ CMC hoạt động trong lĩnh vực viễn thông. Hiện CMC Telecom và đối tác chiến lược Time DotCom – Tập đoàn viễn thông thứ 2 Malaysia đã đầu tư mở rộng mạng lưới hạ tầng kết nối tại khắp các nước trong khu vực và thế giới, hợp tác cung cấp dịch vụ cho các đối tác viễn thông quốc tế hàng đầu như AT&T, Verizon, Orange Business Service, China Mobile International… 50% tập đoàn doanh nghiệp đa quốc gia nằm trong Top 100 thương hiệu lớn nhất thế giới do Forbes bình chọn như Samsung, HSBC, Intel… hiện là khách hàng của CMC Telecom.