Trải qua 23 năm phát triển, CMC đã đi một chặng đường dài đầy nỗ lực và đam mê để trở thành một tập đoàn hùng mạnh. Song, trong bối cảnh xã hội Việt Nam và thế giới đã có quá nhiều đổi thay, CMC nhận ra con đường đã đi qua dường như còn quá nhỏ bé, quá ngắn ngủi so với một đại dương đầy ắp những cơ hội và thử thách đang đón chờ.
Gặp vị thuyền trưởng của CMC, ông Nguyễn Trung Chính vào thời khắc sắp bước sang năm Đinh Dậu để nghe ông kể về hành trình tiếp theo của “con tàu” CMC.
Thuyền trưởng của CMC – Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trung Chính
Câu chuyện gì về CMC mà ông muốn kể cho mọi người khi nhớ về chặng đường dài đã đi qua?
23 năm trước đây, từ một công ty với 20 nhân viên ban đầu, đến nay, CMC đã phát triển thành tập đoàn công nghệ thông tin với 2.000 nhân viên làm việc tại 10 công ty thành viên và viện nghiên cứu.
Cách đây 10 năm, năm 2006 – 2007, chúng tôi đã có một quyết định hết sức khó khăn và có tính bước ngoặt khi lựa chọn mô hình công ty cổ phần tập đoàn thay cho mô hình công ty TNHH 2 thành viên.
Tôi và anh Hà Thế Minh (đồng sáng lập viên CMC) đã có nhiều đêm không ngủ, nhiều ngày quên ăn, tranh luận gay gắt, trước khi quyết định lựa chọn, rất may là chúng tôi đã có quyết định sáng suốt. CMC đã có bước đại nhảy vọt về vốn và tài sản ngay sau đó và trở thành công ty đại chúng có quy mô đứng thứ 2 trong ngành công nghệ thông tin (CNTT).
CMC đã trải qua 23 năm phát triển, chúng tôi đã đạt được những thành tựu đáng tự hào và đã có được một CMC lớn mạnh như ngày hôm nay.
“Khi tôi suy ngẫm về những gì đang chờ đợi trước mắt, tôi nhận ra rằng, hành trình của chúng tôi như mới chỉ bắt đầu”
Vậy trong câu chuyện đó, điều khiến ông mãn nguyện và tự hào nhất là gì?
Điều mãn nguyện và tự hào nhất của tôi chính là “người CMC” chúng tôi đã xây dựng được tập thể hơn 2.000 cộng sự – những “con người CMC”, thông minh, trẻ trung, nhiệt huyết và đầy khát vọng. Chính nhờ tập thể này đã góp phần làm nên sự thành công của CMC ngày hôm nay.
Với những gì mà CMC đã làm và đang sở hữu là tài sản bất cứ một doanh nghiệp cùng ngành nào cũng mơ ước, vậy sao CMC phải thay đổi, thưa ông?
Bối cảnh xã hội Việt Nam và thế giới đã có quá nhiều đổi thay. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên của kinh tế tri thức, thế giới đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công nghệ đang phát triển như vũ bão với IOT, SMAC, trí tuệ nhân tạo, robotic… đang tác động đến mọi mặt của đời sống.
Cũng trong 10 năm qua, chúng ta đã chứng kiến không ít những công ty tên tuổi lớn trong ngành CNTT ra đi như Nokia, COMPAQ, Sony… và nhiều hãng điện tử máy tính Nhật Bản, vì không còn phù hợp và thích ứng với sự phát triển của xã hội.
Vậy nên, khi tôi suy ngẫm về những gì đang chờ đợi trước mắt, tôi nhận ra rằng, hành trình của chúng tôi như mới chỉ bắt đầu. Đoạn đường chúng tôi vừa đi qua dường như còn quá nhỏ bé, quá ngắn ngủi so với một đại dương đầy ắp những cơ hội và thử thách đang đón chờ.
CMC nhận thức được rõ rằng, nếu chúng tôi không thay đổi, không tự làm mới mình, không tự trẻ lại và tự thích ứng, chúng tôi sẽ già và sẽ không còn tồn tại như nhiều công ty CNTT khác.
Nhìn về tương lai, sự phát triển như vũ bão của công nghệ chắc chắn sẽ đem đến những cơ hội khổng lồ chưa từng có trong lịch sử. Vậy cơ hội nào sẽ được CMC tận dụng?
Ngày nay có đến 8 tỷ thiết bị được kết nối Internet trên toàn thế giới. Theo dự báo, trong vòng 15 năm nữa, số lượng thiết bị kết nối sẽ lên tới 200 tỷ, hoặc thậm chí có thể nhiều hơn, gấp 25 lần so với dân số trên toàn thế giới.
IOT đã thâm nhập vào mọi mặt của đời sống xã hội, từ thành thị đến nông thôn, từ trẻ nhỏ đến người già. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kỷ nguyên số, đem lại những cơ hội to lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại.
Đó là những cơ hội khổng lồ của tương lai, những cơ hội chưa từng có trong lịch sử và quyết định vận mệnh đối với mọi doanh nghiệp.
Đối với riêng Tập đoàn CMC, đó chính là những điều thôi thúc chúng tôi phải đổi mới và sáng tạo, đổi mới trong nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ cao, đổi mới trong từng sản phẩm và dịch vụ, đổi mới trong cách thức vận hành công việc, trong từng cách phục vụ khách hàng.
Kể từ ngày hôm nay, mỗi người CMC sẽ là một sứ giả của lòng khát khao và quyết tâm thay đổi. Chiến lược của chúng tôi được xây dựng dựa trên 3 giá trị cốt lõi của CMC: Sáng tạo, Chuyên nghiệp và Đồng đội.
Chiến lược của CMC trong vòng 5 năm tới sẽ trở thành tập đoàn CNTT hàng đầu Việt Nam. Chiến lược này sẽ dựa trên những trụ cột kinh doanh nào, thưa ông?
Trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2020, tầm nhìn chiến lược của chúng tôi là: “Với tình yêu và niềm đam mê, Tập đoàn công nghệ CMC không ngừng phấn đấu để trở thành tập đoàn hàng đầu khu vực trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông bằng việc không ngừng sáng tạo và đổi mới trong nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ cao: IOT, SMAC, IA, Robotic… luôn hướng đến sự chuyên nghiệp, hoàn thiện trong từng sản phẩm và dịch vụ, nhằm góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin. Chúng tôi sẽ cùng các bạn xây dựng một xã hội tươi đẹp hướng tới tương lai số”.
Để đạt được mục tiêu, tầm nhìn này, CMC ưu tiên phát triển dựa trên 3 trụ cột chiến lược, gồm: Tích hợp hệ thống & dịch vụ CNTT – Phần mềm – Viễn thông.
“CMC kỳ vọng sẽ đạt chỉ tiêu doanh thu 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận 500 tỷ đồng vào năm 2018.”
Ở mảng tích hợp hệ thống, chúng tôi phát triển các giải pháp công nghệ chuyên ngành hướng tới từng nhóm khách hàng tổ chức, hướng tới mục tiêu số 1 về giải pháp hạ tầng, giải pháp an ninh bảo mật, giải pháp dữ liệu lớn (Big Data).
Với mảng phần mềm, CMC tập trung vào các ứng dụng phục vụ cho nhu cầu vừa có tính chuyên biệt, vừa có tính đại chúng, ngoài phương thức cung cấp truyền thống sẽ chuyển dịch mạnh mẽ theo phương thức mới Cloud, SaaS… đón đầu xu hướng ứng dụng IoT các sản phẩm tạo ra phải sáng tạo hơn, khác biệt so với các sản phẩm có trên thị trường.
Với mảng Viễn thông, CMC là công ty có quy mô hạ tầng không lớn, vì vậy cần có cách đi khác biệt, sáng tạo, lấy nhỏ thắng lớn, tập trung vào các thị trường và sản phẩm dịch vụ mà công ty có lợi thế, tận dụng sức mạnh của tập đoàn công nghệ IT với 23 năm kinh nghiệm, tích hợp công nghệ thông tin vào dịch vụ viễn thông, mang đến cho khách hàng doanh nghiệp và tổ chức những sản phẩm dịch vụ đa dạng có giá trị gia tăng cao (VAS) theo mô hình One-stop-shop. Xây dựng hệ sinh thái CMC, giúp cho các đối tác và khách hàng ngày một phát triển và thành công dựa trên một môi trường ứng dụng chia sẻ, cộng tác của công ty.
Với chiến lược kinh doanh đó, CMC kỳ vọng sẽ đạt chỉ tiêu doanh thu 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận 500 tỷ đồng vào năm 2018.
Cùng với giai đoạn phát triển mới, năm 2017, CMC đưa ra chiến lược nhận diện thương hiệu mới, thể hiện sự đổi mới toàn diện của CMC. “Hướng tới tương lai số” vẫn tiếp tục là slogan của CMC, phản ánh chân thực và sát với định hướng phát triển Tập đoàn.Được biết, ngay trong những ngày đầu năm mới 2017, CMC cũng công bố hệ thống nhận diện thương hiệu mới. Điều này có ý nghĩa như thế nào với ông và các thành viên CMC?
Chiến lược phát triển giai đoạn từ nay cho đến 2020 và chiến lược nhận diện thương hiệu mới của CMC có ý nghĩa to lớn với chúng tôi. Đây là cột mốc đánh dấu một bước đột phá mạnh mẽ, khẳng định vững chắc vị trí thương hiệu tập đoàn CNTT hàng đầu Việt Nam.
Thành công không chỉ đến từ những người dẫn đầu, mà còn là sự trợ giúp đắc lực từ rất nhiều cộng sự phía sau. Vậy vận mệnh tương lai của chàng khổng lồ CMC sẽ được đặt lên đôi vai của những người hùng tí hon như thế nào, thưa ông?
Tôi luôn mong muốn mỗi người CMC hãy tự làm mới mình, tự thay đổi, bằng cách nghĩ sáng tạo, từ bỏ những thói quen cũ lạc hậu. Mỗi chúng ta cần phải đốt cháy lên ngọn lửa khát vọng, đam mê chinh phục đỉnh cao mới.
Kể từ ngày hôm nay, mỗi người CMC sẽ là một sứ giả của lòng khát khao và quyết tâm thay đổi. Chiến lược của chúng tôi được xây dựng dựa trên 3 giá trị cốt lõi của CMC: Sáng tạo, Chuyên nghiệp và Đồng đội.
Cả 3 giá trị này đều xoay quanh giá trị nền tảng tạo nên mọi giá trị của CMC, đó chính là “con người CMC”.