Các nhóm sản phẩm CMC

Chủ tịch CMC Group: Dùng lao động trình độ thấp, giá rẻ làm công cụ cạnh tranh, Việt Nam có thể bị tụt lại trong cuộc cách mạng 4.0

Th8 07, 2017

[CAFEBIZ] Dù viễn cảnh kinh tế số có thể sẽ là bức tranh của tương lai, tuy nhiên quá lệ thuộc vào ‘lợi thế lao động giá rẻ’ có thể sẽ là con dao 2 lưỡi.

1-112676-1501479373260

Hôm nay, trong buổi Diễn đàn kinh tế tư nhân lần thứ 2 – 2017, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với những vận hội phía trước đang chờ đợi Việt Nam, đã được bàn tới trong phiên thảo luận thứ 2 của Diễn đàn.

Ở phiên này, ông Nguyễn Trung Chính – Chủ tịch kiêm Tổng Giám Đốc CMC Group đã vẽ nên một bức tranh về thế giới và cả Việt Nam, với một nền kinh tế số ăn sâu vào gốc rễ, sẽ tới chỉ trong tương lai 5-10 năm tới đây.

“Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, kỷ nguyên của kinh tế số. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã hiện hữu và đang tác động đến mọi mặt của cuộc sống” – Ông Chính nhận định.

Tiếp sau đó, một loạt những con số mang tính tiên đoán được vị Tổng Giám Đốc CMC Group đưa ra. Cụ thể, lúc này, ngay ở khu vực ASEAN, nền kinh tế số đã có giá trị 150 tỷ USD, chiếm 6% GDP toàn khu vực với 8 tỷ thiết bị thông minh đã được kết nối.

Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng 17%/năm, ông Chính dự đoán năm 2020, chúng ta sẽ được chứng kiến tới 50 tỷ thiết bị thông minh được kết nối, gấp 5 lần dân số nước ta. Nhiều thành phố thủ đô của các nước Đông Nam Á trong tương lai được dự đoán cũng sẽ trở thành những thành phố thông minh.

Điều này là hoàn toàn có thể xảy ra nếu biết rằng chỉ trong năm 2016, nền kinh tế số trên toàn thế giới đã có giá trị 3 nghìn tỷ USD và chiếm 3,8% tổng tỷ trọng kinh tế toàn cầu.

Còn nói riêng ở Việt Nam, viễn cảnh công nghệ ‘ăn sâu’ vào đời sống có lẽ sẽ không còn xa vời nữa.

Theo ông Chính, năm 2016, thương mại điện tử đã đóng góp 900 triệu USD vào GDP Việt Nam. Tuy nhiên đến năm 2020, con số ước đạt là 5 tỷ USD, tương đương với mức tăng trưởng ‘thánh gióng’ 54% hàng năm.

Ở một khía cạnh khác, lực lượng 60 triệu người dùng điện thoại thông minh, và sẽ còn tăng lên, chính là một trong số những biểu hiện quan trọng của nền kinh tế số.

Câu hỏi giờ đây cần đặt ra là chúng ta sẽ bị con sóng 4.0 cuốn trôi đi, hay sẽ là người ngự trị trên con sóng? Ở đây, Tổng Giám đốc Nguyễn Trung Chính đưa ra cảnh báo về kịch bản rằng chúng ta sẽ không bắt kịp con sóng và vuột mất cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Vị Chủ tịch Tập đoàn CMC nói: “Tuy vậy, nền kinh tế số tạo ra những thách thức không hề nhỏ và nếu các quốc gia và doanh nghiệp không kịp thay đổi và thích ứng thì chúng ta sẽ bị tụt lại và có thể bỏ lỡ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Lý do được ông Chính đưa ra chính vì yếu tố ‘lao động giá rẻ’ mà Việt Nam vẫn coi là lợi thế bấy lâu nay. Ông nói: “Sự tụt hậu có thể xảy ra nhất là với những quốc gia hiện nay đang sử dụng lao động trình độ thấp giá rẻ làm công cụ cạnh tranh như Việt Nam. Ví dụ, các ngành như dệt may, da giày sẽ bị ảnh hưởng rất lớn”.

Do đó, nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội thì tốt hơn hết, doanh nghiệp hãy biết cách đổi mới sáng tạo và Chính phủ sẽ đóng vai trò hỗ trợ trong công cuộc đó.

Nguồn: http://cafebiz.vn/chu-tich-cmc-group-dung-lao-dong-trinh-do-thap-gia-re-lam-cong-cu-canh-tranh-viet-nam-co-the-bi-tut-lai-trong-cuoc-cach-mang-40-20170731123840944.chn