Ngày 2/5/2019, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương chủ trì đã diễn ra Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Tại sự kiện, ông Nguyễn Trung Chính (Chủ tịch HĐQT/TGĐ Tập đoàn Công nghệ CMC) đã điều phối phiên thảo luận chuyên đề Kinh tế số để tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp tư nhân hiến kế cho Thủ tướng Chính phủ tại phiên toàn thể của Diễn đàn.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội
Ngày 2/5/2019, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương chủ trì đã diễn ra Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Diễn đàn năm nay có sự góp mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, lãnh đạo Quốc hội, các Bộ Ban ngành trung ương và địa phương và thu hút gần 2500 đại biểu doanh nghiệp tham dự các hoạt động triển lãm và hội thảo. Tại phiên toàn thể của diễn đàn vào chiều 2/5/2019, ông Nguyễn Trung Chính – Chủ tịch HĐQT/TGĐ Tập đoàn Công nghệ CMC, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam đã hiến kế, đối thoại chính sách với Thủ tướng Chính phủ để kịp thời tháo gỡ các rào cản, nút thắt cho phát triển kinh tế tư nhân. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tới năm 2025 kinh tế số sẽ đóng góp 23,000 tỉ USD và chiếm 25% GDP cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các kiến nghị từ khối tư nhân trong buổi sáng đều đánh giá Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi số khá chậm so với các nước trong khu vực, ở ASEAN đã có 3 quốc gia tuyên bố về chính phủ số là Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Theo ông Chính, kinh tế số là con đường duy nhất để Việt Nam phát triển, thoát bẫy thu nhập trung bình. Ông Chính đại diện cho các doanh nhân tư nhân nêu ra 3 kiến nghị cho chính phủ:
1. Cần đẩy nhanh và hoàn thiện thể chế pháp lý cho kinh tế số phát triển.
2. Cần nghiên cứu về việc có nên đổi tên Đề án Phát triển Quốc gia số, xây dựng Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số?
3. Chính phủ nên “giao việc” cho khối tư nhân, cái gì tư nhân có thể làm thì phải để tư nhân làm, giảm đi phần “làm thay” từ phía các cơ quan nhà nước.
Ông Chính cũng thay mặt phía khu vực tư nhân cam kết huy động nhân lực, nguồn lực tài chính và các điều kiện cần thiết khác để ủng hộ Chính phủ: “Chúng tôi quyết tâm đưa Việt Nam trở thành 1 “Digital Hub” của khu vực, tức là 1 trung tâm của khu vực về chuyển đổi – kết nối – lưu trữ – cung cấp dịch vụ số.”
Ông Nguyễn Trung Chính – Chủ tịch HĐQT/TGĐ Tập đoàn Công nghệ CMC, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA)
Phát biểu tại phiên toàn thể, Ông Nguyễn Xuân Phúc (Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ) cũng khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế tư nhân là động lực quan trọng dẫn dắt nền kinh tế, tạo ra 42% GDP, thu hút 83,3% lực lượng lao động cả nước. “Chúng ta đã chứng kiến tốc độ phát triển kinh tế tích cực, năm 2018 là năm thứ tư liên tiếp cả nước có số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỉ lục. Chính phủ liên tục động viên doanh nghiệp phát triển, nền kinh tế chỉ hùng mạnh khi có những doanh nghiệp cạnh tranh toàn cầu.”
Trước đó, vào buổi sáng, ông Nguyễn Trung Chính đã chủ trì phiên thảo luận xoay quanh chủ đề “Khu vực tư nhân hiến kế cho phát triển kinh tế”, tại đây 23 đại biểu đến từ cơ quan quản lý và các doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp ý kiến trong 5 lĩnh vực chính: Thiết lập mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế số, Phát triển hạ tầng số, Xây dựng và phát triển dữ liệu mở tại Việt Nam, Giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Thiết lập xác thực – định danh điện tử, an ninh an toàn thông tin tại Việt Nam. Đây là phiên thảo luận được tổ chức đặc biệt nhằm phát huy nguồn lực, tiếng nói, trí tuệ và sự ủng hộ mạnh mẽ của khu vực tư nhân trong giải quyết các vấn đề then chốt trong phát triển kinh tế số
Tại phiên thảo luận, ông Đặng Tùng Sơn (Phó TGĐ, GĐ Marketing CMC Telecom) đã đóng góp ý kiến về xây dựng hạ tầng số tại Việt Nam: “Chúng ta nói nhiều về IoT, 5G… nhưng mới đang ở đoạn kết nối (access) chứ chưa nói đến dữ liệu (data). Dữ liệu thường được lưu trữ trên các Data Center truyền thống và mới đây là Cloud. Hiện nay, các dữ liệu trung chuyển trong khu vực châu Á đang kết nối chủ yếu tại Singapore và HongKong, tuy nhiên trong vòng 2 năm tới, Amazon đã tuyên bố đầu tư Data Center tại khu vực châu Á. Vi thế việc xây dựng Digital Hub tại Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong liên kết nội dung (content) và dữ liệu số, kết nối Việt Nam với toàn cầu.”
Ông Đặng Tùng Sơn – Phó TGĐ, GĐ Marketing CMC Telecom phát biểu tại diễn đàn
Thông tin về Tập đoàn Công nghệ CMC:
Tập đoàn Công nghệ CMC là tập đoàn ICT lớn thứ hai tại Việt Nam với hơn 26 năm hình thành và phát triển. CMC đã khẳng định vị thế trên thị trường Việt Nam và nhiều nước trên thế giới thông qua những hoạt động kinh doanh chủ lực ở 3 khối: Khối Giải pháp và Công nghệ tin học (Technology & Solution), Khối Kinh doanh Quốc tế (Global Business), Khối Dịch vụ Viễn thông (Telecommunications). Ở Việt Nam, Tập đoàn CMC được biết đến như một đối tác tin cậy và uy tín trong các dự án ICT cấp trung và lớn trong các lĩnh vực: Chính phủ, Giáo dục, Thuế, Kho bạc, Hải quan, Bảo hiểm, Điện lực, Ngân hàng, Tài chính và các Doanh nghiệp. Năm tài chính 2018, doanh thu lũy kế toàn Tập đoàn đạt gần 6,000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 300 tỷ đồng.
Liên hệ truyền thông:
Nguyễn Thành Lưu – Trưởng Ban Marketing & Truyền thông – Tập đoàn Công nghệ CMC
Điện thoại: (+84) 922 353535 – Email: ntluu@cmc.com.vn