Báo cáo Doing Bussiness của World Bank, doanh nghiệp Việt Nam phải dành tới 39,4% lợi nhuận để nộp thuế, cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Á và châu Á Thái Bình Dương (33,9%). Điều này có nghĩa, doanh nghiệp làm được 10 đồng thì “thuế” ăn mất gần 4 đồng.
Đây là thống kê của World Bank đối với tất cả các doanh nghiệp Việt Nam nói chung nhưng nếu tính riêng từng lĩnh vực thì tỷ lệ này có lẽ còn cao hơn. Thậm chí ngay cả đối với những doanh nghiệp phá sản cũng vẫn tiếp tục phải chi một số khoản phí để được “chết”.
Những khoản chi phí này làm giảm sức cạnh tranh và thậm chí cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Điều này trái với tinh thần của Chính phủ kiến tạo, luôn đồng hành cùng DN, tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Hay theo như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn để giảm chi phí, để hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp tốt hơn nữa đồng thời yêu cầu các Bộ ngành khi sửa đổi văn bản phải lấy ý kiến của doanh nghiệp, hội doanh nghiệp.
Mới đây nhất tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam, các doanh nghiệp trong hiệp hội kinh tế số đã kiến nghị với Thủ tướng về việc bất hợp lý trong thu phí đối với doanh nghiệp viễn thông. Cụ thể ngoài các khoản thuế, phí đối với doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp viễn thông còn phải chịu những khoản phí đặc thù theo lĩnh vực kinh doanh.
Theo quy định tại Luật Phí và lệ phí có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, trong lĩnh vực thông tin truyền thông đã tồn tại 11 loại phí (không bao gồm phí viễn thông công ích), trong đó có tới 5 loại phí liên quan đến hoạt động viễn thông.
Theo ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc FPT, “ngoài các khoàn thuế phí đối cho doanh nghiệp, theo đặc thù ngành, doanh nghiệp viễn thông còn phải đóng hai loại phí khác là phí thương quyền và phí viễn thông công ích. Phí thương quyền có mức 0,5% doanh thu và được nộp vào Ngân sách Nhà nước còn phí viễn thông công ích là 1,5%/doanh thu nộp vào Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý. Nội dung của hai loại phí này rất gần nhau nhưng do hai bộ chủ trì riêng biệt Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và Truyền thông. Chỉ có doanh nghiệp ở giữa là phải gành chịu cả 2 phí này”.
Cũng theo ông Ngọc, việc đóng góp dựa trên phần trăm doanh thu là không hợp lý. Với nhiều doanh nghiệp viễn thông 1,5% doanh thu có thể tương đương với 1/3, thậm chí là 1/2 lợi nhuận làm ra, thậm chí doanh nghiệp không còn lợi nhuận.
Trong khi đó, hàng năm, doanh nghiệp viễn thông còn phải dành một khoản ngân sách không nhỏ để đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng cáp quang nâng cao chất lượng dịch vụ. Đơn cử như FPT năm 2017 dự kiến sẽ đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng vào hạ tầng của lĩnh vực dịch vụ viễn thông.
Ông Ngọc đề xuất nên bỏ thu phí viễn thông công ích và việc phát triển các dịch vụ viễn thông hỗ trợ vùng sâu, vùng xa nên nằm trong các chương trình quốc gia dựa vào ngân sách Nhà nước là chính. Các doanh nghiệp có thể tham gia đóng góp nhưng trên tinh thần tự nguyện chứ không thể quy trách nhiệm đóng góp trực tiếp cho doanh nghiệp thông qua thu phí. Mỗi năm FPT Telecom đều thực hiện hàng trăm hoạt động thiện nguyện trên nhiều tỉnh thành cả nước với ngân sách hàng tỷ đồng.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghệ CMC, việc thu phí viễn thông công ích dựa trên tổng doanh thu của doanh nghiệp viễn thông là không hợp lý. Ông Chính đề xuất loại bỏ doanh thu internet ra khỏi doanh thu của doanh nghiệp phải đóng phí viễn thông công ích.
Đáp lại những đề xuất của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng khẳng định, không thể bỏ thu phí viễn thông công ích vì cần có quỹ để thực hiện các chương trình cho vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề xuất giảm mức phí viễn thông công ích từ 1,5% xuống còn 0,7%. Song ông Nguyễn Thành Hưng hiện chưa đề cập đến thời điểm đề xuất này có hiệu lực.
Trong khi đó, Thông tư 57/2016/TT-BTC ban hành năm 2016 về hướng dẫn chế độ thu nộp, hạch toán các khoản đóng góp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam quy định việc nộp phí viễn thông công ích của các doanh nghiệp được thực hiện trong giai đoạn từ 2015 -2020. Trong khi chờ các cơ quan chức năng xem xét lại đề xuất giảm phí viễn thông công ích thì doanh nghiệp viễn thông sẽ tiếp tục nộp phí thêm một số năm nữa.