Các nhóm sản phẩm CMC

[Forbes Vietnam] Tech Summit 2020: Kết nối đa chiều để mở khóa tương lai

Th7 17, 2020

Trong phiên thảo luận đầu tiên với chủ đề “Những cánh cửa tương lai” tại Hội nghị Công nghệ (Tech Summit 2020) của Forbes Vietnam diễn ra sáng nay 16.7, các diễn giả đưa ra thông điệp phải có sự kết nối đa chiều để mở cánh cửa tương lai: Dữ liệu lớn và những ứng dụng từ dữ liệu lớn. 

Mở đầu phiên thảo luận, giám đốc điều hành Ericsson Vietnam, Myanmar, Cambodia & Laos Denis Brunetti khẳng định các doanh nghiệp tại Việt Nam đang có nhiều cơ hội để tiếp cận và sử dụng những ứng dụng công nghệ vào vận hành doanh nghiệp khi công nghệ số đang hiện diện khắp mọi nơi trên thế giới.

“Chúng tôi nhìn thấy sự thay đổi lớn khi các nhà mạng viễn thông Việt Nam như Mobifone, VNPT… từ vị trí một nhà vận hành đã trở thành đơn vị cung ứng dịch vụ Internet. Khách hàng của họ cũng từ những người dùng cá nhân trở thành những doanh nghiệp”, ông Denis nói.

Theo ông Nguyễn Bá Quỳnh, phó chủ tịch cấp cao của Hitachi Vantara, nguồn nhân lực công nghệ của Việt Nam có đủ tài năng và kỹ năng để tạo ra những sản phẩm đáp ứng được các nhu cầu của doanh nghiệp khi làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra.

Tech Summit 2020: Kết nối đa chiều để mở khóa tương lai  - ảnh 1

Kết nối đa chiều là yếu tố quan trọng để mở cánh cửa tương lai: Dữ liệu lớn và ứng dụng dữ liệu lớn. Ảnh: Forbes Vietnam 

Ông Quỳnh ví dụ về những dự án bảo trì, bảo dưỡng các hệ thống tàu hoả tại Tokyo được xây dựng và vận hành bởi những kỹ sư Việt Nam ngồi tại công viên phần mềm Quang Trung dựa trên dữ liệu lớn, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI).

Tuy nhiên, phó chủ tịch cấp cao của Hitachi Vantara khuyến nghị phải có những tổ chức nền tảng, xây dựng hệ thống quản lý thống nhất từ trên xuống để “đảm bảo tính xác thực của dữ liệu thì mới có thể tạo ra được ảnh hưởng tới công cuộc chuyển đổi số”.

Bổ sung thêm, phó tổng giám đốc CMC Telecom Đặng Tùng Sơn nhắc tới sự xuất hiện của những tên tuổi lớn trong làng công nghệ toàn cầu tại Việt Nam như Amazon, Apple, Alibaba… sẽ là một đòn bẩy gián tiếp để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam kết hợp chặt chẽ với nhau hơn trong quá trình tiến tới tương lai. Đồng thời, ông Sơn đưa ra ý kiến nên có những đơn vị tiên phong – đóng vai trò dẫn dắt trong hành trình tiến tới tương lai của nền công nghệ Việt Nam.

Phần cuối cùng của phiên thảo luận, các diễn giả nói về những lợi thế và bất lợi của doanh nghiệp Việt khi đứng trước nhiều cánh cửa của tương lai. Một lợi thế lớn nhất của Việt Nam được các diễn giả đồng tình là sự liên kết đồng bộ từ cao tới thấp trong nguồn lực, mạng lưới các điểm công nghệ thông tin có mặt trên toàn quốc.

Điểm thuận lợi thứ hai được giám đốc công nghệ tập đoàn FPT Lê Hồng Việt, đồng thời cũng là người điều phối phiên thảo luận, đưa ra là môi trường kinh doanh tại Việt Nam đa dạng và năng động, chưa có nhiều “ông lớn” mang tính biểu tượng, vì vậy cơ hội để các doanh nghiệp “break the rules” – có những đột phá, ra khỏi vùng an toàn là rất lớn.

Ông Đào Đức Minh – giám đốc điều hành viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBDI tập đoàn Vingroup chỉ ra bất lợi của Việt Nam là thiếu sự kết nối và giao tiếp giữa các bên khi áp dụng những công nghệ mới, ví dụ là giao tiếp giữa doanh nghiệp công nghệ – viện nghiên cứu – trường đại học – doanh nghiệp ứng dụng công nghệ.

“Chúng tôi đã có những hợp tác bước đầu với nhiều đơn vị khác nhau như trường đại học, viện nghiên cứu để trao đổi thông tin và kết nối tốt hơn, nhằm đưa ra lời giải cho nhiều bài toán Việt Nam đang đối mặt”, ông Minh chia sẻ trong phiên thảo luận.

Trước khi phiên thảo luận kết thúc, ông Lê Hồng Việt khẳng định để thúc đẩy phát triển công nghệ ở Việt Nam cần phải có trao đổi giữa nhiều bên, nhiều chiều để đảm bảo doanh nghiệp được cung cấp đủ thông tin có tính xác thực và đưa ra quyết định đầu tư đúng nhất.