Tháng 5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định đưa cơ sở dữ liệu về bảo hiểm là một trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử.
Theo đó, các giao dịch về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp gồm đăng ký tham gia, đề nghị cấp thẻ, cấp sổ, giải quyết, chi trả các chế độ, giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh và trao đổi thông tin giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng. Nhưng đến nay, hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều đơn vị bảo hiểm vẫn còn thấp, thậm chí tụt hậu so với các ngành khác tại Việt Nam.
Chiều ngày 12/05, CMC Telecom vừa phối hợp với các đơn vị thành viên Tập đoàn CMC tổ chức buổi giao lưu và toạ đàm với các công ty hoạt động trong lĩnh vực Bảo hiểm. Buổi toạ đàm tập trung chia sẻvề thực trạng hệ thống công nghệ thông tin và giải pháp ICT trong ngành bảo hiểm khi cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang bùng nổ.
Ông Nguyễn Thái Bình – Trưởng phòng Tin học Bảo hiểm Petrolimex (Pjico) nhấn mạnh “Ngành bảo hiểm ở Việt Nam không những đi sau thế giới mà còn tụt hậu so với cả các ngành khác. Cụ thể như bán hàng online của Bảo hiểm thì nửa vời khi vẫn phải cấp chứng nhận, hợp đồng bản cứng thay vì ứng dụng 100% qua hình thức trực tuyến. Hay chưa có căn cứ tính phí mà chỉ dựa vào thị trường, trong khi các quốc gia khác họ có nguồn dữ liệu Big Data có thể dễ dàng tra cứu, phân tích chính xác.”.
Cùng suy nghĩ về vấn đề thiếu căn cứ phân tích, định giá phí bảo hiểm, đại diện của Tổng công ty CP Tái Bảo hiểm quốc gia VN (VINARE) – Ông Nguyễn Lê Anh, Trưởng phòng Tin học cũng chia sẻ thực trạng tương tự trong vấn đề tái bảo hiểm từ rủi ro thiên tai. Theo nghiên cứu của World Bank, hiện Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới phải gánh chịu những vấn đề rủi ro từ thiên tai.
Theo nghiên cứu mới đây của WB, ước tính khoảng 60% tổng diện tích đất đai và 71% dân số phải chịu nguy cơ bão lũ. Tổn thất kinh tế trực tiếp bình quân do bão và lũ hàng năm ước bằng khoảng 0,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đứng thứ ba trong khối các nước thành viên ASEAN. “Các quốc gia khác có các lược đồ, ghi nhận và dự đoán về các rủi ro, mức độ thiên tai để tính toán ra mức phí bảo hiểm cho từng khu vực. Trong khi ở Việt Nam, chúng ta chưa có nguồn thông tin và dữ liệu kiểm soát về bảo hiểm thiên tai. Cũng chưa có doanh nghiệp nào xây dựng công cụ để giám sát, kiểm soát vấn đề này.” – Theo ông Nguyễn Lê Anh (VINARE).
Công nghệ đang làm thay đổi cách giao tiếp và nhu cầu sử dụng dịch vụ của người tiêu dùng nói chung, trong lĩnh vực bảo hiểm nói riêng. Thay vì bị động trong việc tiếp nhận thông tin về khiếu nại, bồi thường,… theo cách truyền thống; ngành bảo hiểm có thể ứng dụng các phần mềm quản lý thay thế cách vận hành chỉ đơn thuần bằng con người. Để xử lý nhanh chóng hàng trăm nhu cầu phát sinh hàng giờ từ khách hàng, các công ty Bảo hiểm cần một hệ thống công nghệ thông tin thông minh và đột phá.
Đồng hành với chiến lược phát triển ngành bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 và các năm tiếp theo, đại diện CMC cũng chia sẻ về mô hình ứng dụng ICT hiện đại. Trong đó phải kể đến các phần mềm quản lý CORE (CeIN, CPC), quản lý bảo hiểm online, quản lý kênh phân phối & tính toán, giải pháp Portal, dịch vụ hoá đơn điện tử; dịch vụ đánh giá bảo mật, phòng chống mã độc và kết nối hạ tầng công nghệ thông tin giữa Bộ ban ngành với các doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức tài chính có liên quan.
Ở vai trò nhà cung cấp dịch vụ One Stop Shop, CMC Telecom khẳng định sẽ tiếp tục hoàn thiện và đem lại những dịch vụ CNTT hiện đại để ứng dụng trong ngành bảo hiểm. Từ việc kết nối hạ tầng viễn thông; đảm bảo hệ thống hạ tầng lưu trữ dữ liệu như Data Center; nâng cao khả năng tiếp cận của khách hàng với hệ thống nhanh nhất cho doanh nghiệp bảo hiểm như ứng dụng dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ thoại; cho đến dịch vụ thuê ngoài bảo mật IBM – áp dụng xu hướng ứng dụng CNTT hiện đại của thế giới vào Việt Nam.
Nguồn: cafef.vn