“Các trung tâm dữ liệu được ví như tiện ích thứ năm, quan trọng như nước, điện, khí đốt và viễn thông. Vì vậy, việc doanh nghiệp biết cách lựa chọn Data Center (DC) đúng chuẩn là rất quan trọng.” – anh Phạm Huy Hoàng – PGĐ Khối Hạ tầng DC CMC Telecom cho biết.
Anh Phạm Huy Hoàng, 1 trong 10 người Việt Nam hiện đang sở hữu CDCE, chứng chỉ được coi là “tiến sĩ” trong lĩnh vực DC, chia sẻ về cách lựa chọn một nhà cung cấp DC tin cậy.
Trung tâm dữ liệu chuẩn Tier 3
Doanh nghiệp khi có nhu cầu thuê DC cần quan tâm đến chất lượng của trung tâm dữ liệu tại các nhà cung cấp đó. Và các định nghĩa như Data Center Tier 3, Tier 4,… ra đời nhằm đánh giá các DC dựa trên tiêu chuẩn Tier của tổ chức Uptime Institute tại Mỹ. Theo anh Hoàng, đây là một trong các tiêu chuẩn dùng để đo lường các tiêu chí như thiết kế, vận hành, xây dựng, quản lý và sự ổn định của một DC. Một DC tiêu chuẩn phải bao gồm 4 cấp độ (được đánh giá dựa trên khả năng đáp ứng dịch vụ, vận hành, dự phòng rủi ro):
Tiêu chuẩn 1: DC sở hữu các thiết bị IT được cung cấp từ đường dẫn cô lập. Hạ tầng cơ bản có độ sẵn sàng chấp nhận cao từ khoảng 99,67%. Tất cả đường dẫn, thành phần tham gia vào cấp độ 1 hoàn toàn không có sự dự phòng.
Tiêu chuẩn 2: DC sở hữu mức độ đáp ứng cao hơn mức độ tiêu chuẩn 1. Các cơ sở hạ tầng và thành phần cũng được dự phòng. Độ sẵn sàng chấp nhận hoạt động vào khoảng 99,741%.
Tiêu chuẩn 3: Tất cả các thiết bị thông tin ở cấp độ này được cung cấp bởi các nguồn điện kép và có cấu trúc liên kết phù hợp nhất. Các thiết bị IT được cung cấp bởi nhiều đường dẫn độc lập có sự dự phòng đầy đủ. Tỷ lệ sẵn dàng duy trì cơ sở hạ tầng chiếm đến 99,982%.
Tiêu chuẩn 4: DC cấp độ này sở hữu tất cả các hệ thống bảo vệ, làm lạnh độc lập hoàn toàn và được liên kết bởi nguồn điện chế độ kép. Mức độ sẵn sàng duy trì đạt gần như tuyệt đối: 99,995%.
“Hiện tại ở Việt Nam, DC Tier 3 là cấp độ phổ biến nhất và cao nhất. Để đạt Tier 3, DC phải đạt những yếu tố khắt khe về trung tâm điều hành, hệ thống quản lý mạng (Network Management System) và hệ thống bảo mật, an ninh an toàn dữ liệu…” – anh Hoàng đưa ra quan điểm.
Lưu trữ dữ liệu an toàn
Trong thời gian gần đây, số lượng các cuộc tấn công thông tin nhằm vào doanh nghiệp ngày càng tăng, đi kèm với đó là các vấn đề và rủi ro liên quan đến việc mất dữ liệu. “Việc lựa chọn DC cũng an toàn hơn các phương pháp lưu trữ dữ liệu truyền thống trong bối cảnh các vấn đề và rủi ro liên quan đến mất dữ liệu đang ngày càng gia tăng. Các trung tâm dữ liệu giờ đây không chỉ cung cấp khả năng lưu trữ thông tin đáng tin cậy mà còn loại bỏ các nguy cơ sự cố của các thiết bị công nghệ” – anh Hoàng chia sẻ.
CMC DC Tân Thuận hiện đang sở hữu hàng loạt các tiêu chuẩn đặc biệt về bảo mật dành riêng cho một DC như TVRA, Chứng chỉ Uptime Tier 3 (TCDD & TCCF), PCI DSS, ISO… Trong đó, TVRA (Threats, Vulnerability and Risk Assessment) là tiêu chuẩn bảo mật và chống rủi ro cấp độ cao áp dụng cho DC được Ngân hàng Nhà nước Singapore đề xuất áp dụng cho các DC trong nước và quốc tế.
Đội ngũ chuyên gia điều hành và quản lý
Chuyên viên điều hành DC nắm giữ vai trò quan trọng khi chịu trách nhiệm giám sát hoạt động, cũng như duy trì và đảm bảo rằng các thiết bị và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hoạt động liên tục 24/7.
Các chuyên gia điều hành và giám sát an ninh tại CMC DC Tân Thuận hiện đang sở hữu hàng loạt chứng chỉ như: Chứng chỉ Thiết kế, Vận hành, Đánh giá rủi ro và Di chuyển DC (CDCE, CDCS, CDCP…) trong đó CDCE được coi là chứng chỉ “tiến sĩ” về DC với mức độ cao nhất. Hiện tại, đội ngũ vận hành DC của CMC Telecom có 2 người sở hữu chứng chỉ CDCE.
Tại Việt Nam, khách hàng có nhiều lựa chọn nhà cung cấp chỗ đặt máy chủ trong DC. Tuy nhiên, không phải mô hình DC nào cũng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cần thiết và phù hợp. Do đó, để tìm được một nhà cung cấp chất lượng, doanh nghiệp cần dựa trên nhiều yếu tố như: chi phí, khả năng tài chính, quy mô hoạt động, uy tín thương hiệu, chuẩn Tier 3 cũng như chất lượng của dịch vụ chăm sóc khách hàng…
Thúy Ngà