Các nhóm sản phẩm CMC

Điện toán đám mây đang chưa được sử dụng đúng

Th5 28, 2017

[ICTNEWS] Hầu hết doanh nghiệp và cá nhân dùng đám mây chỉ phục vu nhu cầu lưu trữ, sao lưu dữ liệu là chính, trong khi các dịch vụ giá trị gia tăng khác thấp hơn.

Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội tin học TP.HCM (HCA) cho biết theo khảo sát do HCA thực hiện, các cá nhân và doanh nghiệp dùng điện toán đám mây (Cloud) chủ yếu để lưu trữ dữ liệu (tỷ lệ 49,1%), sao lưu dữ liệu (39,5%), các ứng dụng khác thấp hơn.

Theo khảo sát này, những dịch vụ như khám sức khỏe qua mobile, smarthome, bảo mật, họp trực tuyến, quản lý công việc trên nền tảng cloud có tỷ lệ dùng khá thấp, lần lượt là 6,8%, 9,1%, 14,6%, 17,2%, 28,7%.

dscf4082-1-
Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội tin học TP.HCM

Hai nguyên nhân chính khiến người dùng không dùng cloud chính là lo ngại về vấn đề bảo mật dữ liệu (46,9%) và chưa hiểu rõ dịch vụ/ứng dụng trên cloud (42,1%). Trong sự kiện Ngày hội công nghệ điện toán đám mây Cloud8 lần 7 do HCA cùng Công ty VinaCIS và Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) phối hợp tổ chức ngày 26/5, ông Vũ Anh Tuấn kết luận rằng cloud đang chưa được dùng đúng lắm, vì người dùng mới chỉ tập trung sử dụng những dịch vụ hết sức cơ bản như lưu trữ, sao lưu dữ liệu. Trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng cao nhưng còn ít ứng dụng, hay số lượng các doanh nghiệp cung cấp bảo mật trên cloud còn thấp, chỉ khoảng 15%. Ông Tuấn cho rằng tỷ lệ này quá thấp so với nhu cầu người dùng vì lòng tin của người dùng vẫn chưa đủ khi đưa dữ liệu lên đám mây.

Tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM kết luận rằng ứng dụng của cloud không chỉ để sao lưu, lưu trữ dữ liệu mà cần có thêm nhiều dịch vụ giá trị gia tăng khác được cung cấp, phục vụ các nhu cầu trong cuộc sống, giải trí, công việc. Người dùng cũng chưa biết nhiều đến cloud và e ngại về bảo mật cũng là các rào cản mà doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần nghĩ tới.

Cũng trong sự kiện Cloud8, ông Giáp Hùng Cường – CEO Công ty VinaCIS – đưa số liệu khảo sát cho thấy chi phí trang bị ổ cứng lưu trữ và dịch vụ lưu trữ, sao lưu giảm xuống rõ rệt kể từ năm 2011 đến 2017. Do đó, thay vì phải chọn việc lưu trữ dữ liệu nào hay xóa dữ liệu nào như trước, với giá cả chấp nhận được như hiện nay, người dùng có thể chọn lưu trữ tất cả.

dscf4061-1-

Ông Giáp Hùng Cường – CEO Công ty VinaCIS

Nói về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Cường cho biết dù có các định nghĩa khác nhau, nhưng ông cho rằng ở cuộc cách mạng này, “everything’s smart” – mọi thứ đều trở nên thông minh. Chẳng hạn, trước đây khi một người dùng truy cập vào website, chủ website chỉ biết được địa chỉ IP của người truy cập. Tuy nhiên, hiện nay với nhiều công cụ phân tích khác nhau, các thông tin về giới tính, độ tuổi, hành vi,… của người dùng Internet đều có thể được truy ra và lưu lại khi truy cập một trang web.

Để có những ứng dụng đám mây hay “everything’s smart” như trên, ông Nguyễn Đức Dũng – Trưởng Phòng kinh doanh các dịch vụ cloud của CMC Telecom – cho biết cần có một đường truyền, hạ tầng mạng ổn định để có tín hiệu xử lý tốt nhất. Những doanh nghiệp chuyên về chăm lo hạ tầng hiện nay đều cố gắng hoàn thiện các nền tảng để các khách hàng doanh nghiệp chuyên tâm lo phát triển kinh doanh, không bận tâm đến việc chăm sóc hệ thống công nghệ thông tin nhiều như trước kia.

dscf4088-1-

Ông Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng kinh doanh các dịch vụ cloud của CMC Telecom

Ông Dũng cho biết CMC Telecom đang cung cấp dịch vụ cloud dành cho phân khúc khách hàng SME và khởi nghiệp. Sử dụng toàn bộ hệ thống bằng ổ cứng SSD, áp dụng công nghệ ảo hoá KVM, bảo mật do IBM, RackSpace, Amazon xác thực và có thể đạt tốc độ tối thiểu 500MB/s đối với cloud server.

Ngày hội công nghệ điện toán đám mây Cloud8 lần 7 với chủ đề “Siêu năng lực tính toán trong công nghiệp 4.0” kéo dài trong một ngày 26/5, gồm các hoạt động triển lãm và hội thảo. Ban tổ chức cho biết có hơn 100 doanh nghiệp điện toán đám mây tham dự, 30 startup và 10 quỹ đầu tư có mặt.

Nguồn: http://ictnews.vn/cntt/dien-toan-dam-may-dang-chua-duoc-su-dung-dung-153382.ict