Các nhóm sản phẩm CMC

Doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng dùng “Đám mây” Việt?

Th12 23, 2020

Sự trưởng thành của hạ tầng điện toán đám mây trong nước đã chứng minh được sự tối ưu của mình khi hoàn toàn có thể đáp ứng các yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế, tối ưu chi phí và năng lực hỗ trợ kịp thời. Điều này sẽ thay đổi hoàn toàn tư duy “chuộng hàng ngoại” của các doanh nghiệp khi lựa chọn nhà cung cấp đám mây, mở đường cho xu hướng Local Cloud phát triển.

Trong chuyên đề “Điện toán Đám mây trong quá trình Hiện thực hóa Khát vọng Chuyển đổi Số của Việt Nam” tại sự kiện Internet Day 2020, ông Lê Anh Vũ – Giám đốc sáng tạo CMC Telecom cũng đã đưa ra những nghiên cứu và đánh giá về “Sức mạnh hạ tầng Điện toán đám mây Việt Nam”. Trong đó, ông khẳng định về năng lực của các đơn vị công nghệ trong nước như Viettel, CMC Telecom, VNG,… có thể từng bước hợp lực giúp xóa bỏ “đế chế” đám mây quốc tế tại Việt Nam. Qua đó mở đường thúc đẩy xu hướng Local Cloud (đám mây trong nước). Đó là nền tảng vững mạnh giúp doanh nghiệp nội địa có thể làm chủ được công nghệ và tạo đà phát triển trong tương lai.

 


 Tại Internet day 2020, Ông Lê Anh Vũ khẳng định: “Tại Việt Nam, điện toán đám mây không còn là xu thế và rào cản nữa, mà thực tế nó đã trở thành yếu tố tất yếu, bắt buộc trong thời đại ngày nay”

 

 

Trong buổi tham luận trước gần 200 doanh nghiệp tham dự, ông Lê Anh Vũ cũng đưa ra đánh giá về việc “thâm nhập” của điện toán đám mây vào tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Trên thế giới, cứ 10 giao dịch thì có đến 8 giao dịch được triển khai trên môi trường Điện toán đám mây. Riêng tại Việt Nam theo Mckinsey, tốc độ “thâm nhập” của Cloud vào các ngành nghề phổ biến đã tương đương thế giới. Theo đó, các cơ quan Chính phủ hay doanh nghiệp ngân hàng, tài chính, bảo hiểm tại Việt Nam là những khối ngành có tốc độ chuyển đổi nhanh nhất. Giai đoạn 2018-2021, Mckinsey dự báo về nhu cầu sụt giảm của hạ tầng vật lý (On-premise), thay vào đó là sự tăng trưởng của các nền tảng đám mây cũng như SaaS, IaaS.

 


Theo Mckinsey, xu hướng “Cloud” hóa sẽ tăng trưởng trong giai đoạn 2018-2021, trong đó cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp FSI sẽ có tốc độ chuyển đổi nhanh nhất

 

Nếu trước đây, điện toán đám mây là mô hình kinh doanh mà những gã khổng lồ như Google, Microsoft và Amazon làm chủ thì đến giai đoạn hiện tại, năng lực của các đơn vị công nghệ Việt Nam hoàn toàn đủ sức mạnh để cạnh tranh tại “sân nhà”. Tại sự kiện Internet day 2020, ông Lê Anh Vũ cũng thể hiện cái nhìn lạc quan này. Ông cho biết, trung bình một quốc gia trên thế giới có 37 Data Center và chỉ đạt tỷ lệ 0.0002 Cloud Server trên 1 người dân. Trong khi đó, Việt Nam hiện có tổng số 30 trung tâm dữ liệu và đạt tỷ lệ 0.0027 Cloud Server trên 1 người dân. 

Nền tảng điện toán đám mây trong nước có rất nhiều lợi thế mà các doanh nghiệp Việt có thể nhìn thấy rõ ràng, nhất là sau những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Cụ thể là có chi phí đường truyền rẻ hơn khi kết nối với cloud trong nước thay vì quốc tế; hai là khả năng tư vấn hỗ trợ dịch vụ trong nước nhanh hơn; giảm nỗi lo về vấn đề lưu trữ dữ liệu ngay tại hệ thống server trong nước hay như thuận lợi hơn về cả thủ tục thanh toán. Không chỉ doanh nghiệp lớn mà cả các doanh nghiệp SME cũng bắt đầu chuyển dịch nhanh hơn bằng điện toán đám mây

Vào tháng 12/2020 vừa qua, Bộ TT&TT đã công bố 5 NCC Điện toán đám mây Make in Vietnam đã đạt tiêu chí phục vụ Chính phủ điện tử. Điều này không chỉ thể hiện rõ ràng định hướng chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây của Chính phủ Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy phát triển các nền tảng điện toán đám mây trong nước và đồng thời tiến đến phổ cập để những nền tảng này được sử dụng rộng rãi.